THỜI ĐIỂM QUAN TRỌNG NHẤT CỦA LỊCH SỬ

Giám mục người Đức Rudolf Graber cho rằng biến cố kia đã « vượt xa vô cùng biến cố tạo dựng vũ trụ ». Chưa bao giờ có một biến cố lớn như thế xẩy ra, và cũng không bao giờ sẽ xẩy ra một biến cố mang tầm vóc như thế : « Bởi vì việc con một của Thiên Chúa, ngôi hai Thiên Chúa, sẵn sàng làm người trong một địa cầu tí hon này là chuyện vượt trên tất cả mọi cái có thể tưởng tượng ».

Vâng, đó là một bài học rất quan trọng, để ta hiểu được đúng ý niệmvề cái lớn và cái bé. Nhìn trên khía cạnh vật chất, việc tạo dựng vũ trụ là một biến cố lớn lao vô cùng. Bên cạnh đó, biến cố nhỏ nhoi xẩy ra ở Bê-lem, mà các sử gia thoạt tiên đã bỏ quên, quả là chuyện không đáng bàn tới.

Xét về lượng thì hai biến cố trên khác xa nhau. Tuy nhiên, nếu ta thấy được chỉ một trái tim người mà thôi cũng là một độ lớn mới trước toàn cảnh của vũ trụ, như Pascal nói, thì lúc đó ta sẽ hiểu được việc Thiên Chúa làm người, việc đấng Tạo dựng, Lời muôn đời (Logos) chấp nhận bước vào thân phận làm người và tự buộc mình vào thân phận đó, cũng là một độ lớn khác hẳn. Thiên Chúa xuống trần và trở thành người. Đứng trước chiều kích này, cái độ lớn xem ra vô cùng của thế giới vật chất cũng trở thành nhỏ.

Biến cố  Đức Giê-su sinh ra đã trở thành huyền thoại lớn nhất cho mọi thời từ hai ngàn năm nay. Ngày nay, không ai mà không biết đến đêm đó. Không đâu trong Giáo Hội niềm tin thể hiện tràn bờ như trong biến cố này. Giáng sinh có một lượng biểu tượng, giá trị, đạo đức và u sầu, nghĩa là một lượng về thực thể con người, không gì sánh nổi. Đôi lúc tôi nghĩ, chúng ta biết nhiều về giáng sinh thật, nhưng hẳn giáng sinh biết chúng ta nhiều hơn nhiều.

Có lẽ, một lần nữa, ta phải thống nhất với nhau về nghĩa chữ « huyền thoại ». Ngày nay, chữ này được hiểu theo nghĩa tích cực, nó nói lên một thứ viễn kiến về những thực tại vượt khỏi giác quan con người, như vậy nó chứa đựng một chân lí cao hơn cái thuần thực tại đang có. Nhưng, cho dù mang nghĩa tích cực đó, « huyền thoại » chống lại lịch sử. Nó là viễn kiến, chứ không phải sự kiện thực tế. Việc Đức Ki-tô giáng trần, trái lại, là một biến cố lịch sử, một cái gì đã diễn ra thật và đã trở thành biến cố lịch sử. Việc gắn liền với lịch sử thật đó là một nét đặc thù của lịch sử Ki-tô giáo.

Quả thật lạ lùng, cái đêm trong chuồng súc vật, trong hang đá đó, thoạt tiên được các mục đồng  để ý đến khi nghe thiên thần loan tin, giờ đây đã trở thành một dấu chỉ vượt ra ngoài thế giới Ki-tô giáo, hầu như chẳng còn ai mà không biết đến. Nhưng ta cũng phải nói thêm, song song với việc phổ quát hoá đó cũng có một tiến trình tầm thường hoá ghê sợ xẩy ra.

Ngày nay, khuynh hướng muốn đẩy Ki-tô giáo ra khỏi lễ giáng sinh ngày càng mạnh, nó giống như một hoả tiễn, sau khi lên được độ cao nhất định, liền tách khỏi phần dưới của nó. Ở Mĩ châu, với đà thương mại hoá và tình cảm hoá, lễ giáng sinh trở thành nơi trưng bày cho các cơ sở thương mại lớn. Trước đây, họ trang hoàng giáng sinh với hang đá, nay với những cảnh huyền thoại, nào là với nai, hươu và các ông già Nô-en, từ đó biến cái Ki-tô giáo ra thành cái huyền thoại thật. Dĩ nhiên, vẫn còn cái dư âm chói sáng đánh động con người, khi họ nhận biết Thiên Chúa đã trở thành người. Nhưng đó chỉ là nỗ lực tìm cách giữ lại vẻ đẹp và cái rung động, còn cái ý nghĩa cao sâu hơn nằm trong đó thì người ta lại bỏ đi.

Giáng sinh cho ta thấy, bên cạnh tất cả những suy tưởng và tình cảm lớn, cả những điều hoàn toàn mâu thuẫn, những điều dối trá trong thế giới – và cả những hoài nghi lẫn không tin của ta.

Người ta đã đem quá nhiều tiếng nói của con tim, quá nhiều yếu tố giá trị lớn và quan trọng vào trong biến cố giáng sinh, khiến thoạt nhìn vào, ta có thể thành tâm nói được, là nếu lột hết những thứ đó đi, thì biến cố đích thực kia chẳng còn lại gì (làm vậy là cướp đi nội dung cao cả của giáng sinh, biến nó một cách nào đó trở thành trống rỗng). Nhưng cũng chẳng sao, biết đâu những điều thêm thắt quan trọng và dễ hiểu kia, dù chúng vượt ra khỏi vòng Ki-tô giáo, có thể đưa người ta tìm lại được đức tin. Bí ẩn của đứa trẻ, của sự giản dị, của lòng khiêm nhu – đó là tất cả những gì toát ra từ biến cố giáng sinh. Và ta cũng rất cần đưa vào những bài học mang tính con người đó, để qua đó thấy được khía cạnh nhân tính của Thiên Chúa.

Phong tục tặng quà thật ra bắt nguồn từ một suy nghĩ lớn. Đứa trẻ là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, vì vậy giáng sinh có thể là ngày để người ta trao quà cho nhau. Nhưng nếu việc tặng quà trở thành những chiến dịch thương mại bó buộc, thì việc trao tặng mất ý nghĩa. Và rồi, đúng như câu của Đức Ki-tô nói với các môn đệ : Đừng làm như người ngoại đạo, họ mời người khác, vì họ cũng muốn được mời lại. Nếu chỉ còn là một cuộc trao đổi hàng hoá thuần tuý, thì giáng sinh đã bị khống chế bởi tư dục, nó trở thành một phương tiện cho tính ích kỉ vô đáy và cho lòng hám của lẫn hám quyền – mà thật ra sứ điệp giáng sinh hoàn toàn trái ngược lại. Đem giáng sinh trở về lại nội dung đơn giản của nó, đó có lẽ là một nhiệm vụ lớn của chúng ta.